Xếp hạng


Đại học Duy Tân tăng hơn 100 hạng, vào Top 351-400 trường đại học tốt nhất châu Á

Tổ chức giáo dục QS (Quacquarelli Symonds, Anh) vừa công bố kết quả xếp hạng các đại học tốt nhất trong khu vực châu Á 2021 (QS Asia University Rankings 2021), trong đó có tên 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Đại học Duy Tân tăng hơn 100 hạng, vào Top 351-400 trường đại học tốt nhất châu Á
Các đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng đại học QS châu Á 2021 - Ảnh chụp màn hình
 
Năm nay, Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 634 cơ sở giáo dục đại học được QS đánh giá là tốt nhất trong toàn châu Á, tăng thêm 3 trường so với năm 2020, gồm: ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
 
Đáng chú ý, ba trường đại học lần đầu tiên góp mặt trong bảng xếp hạng QS châu Á là: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (có hạng 551-600 rất tốt so với một trường mới xuất hiện lần đầu), Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đồng hạng 601+.
 
Như vậy, với 237 đại học và trường đại học của Việt Nam, đến nay có 4,64% cơ sở giáo dục đại học trong cả nước có tên trong bảng xếp hạng khu vực của QS.
 
Trong số 11 đại học và trường đại học của Việt Nam được xếp hạng năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM xếp thứ 158 (tụt 15 hạng so với năm 2020 là: 143), ĐH Quốc gia Hà Nội xếp thứ 160 (tụt 13 hạng so với năm 2020 là: 147), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xếp hạng 301-350 (tụt hạng so với năm 2020 là: 261-270) và Trường ĐH Cần Thơ xếp hạng 451-500 (tụt hạng so với năm 2020 là: 401-450).
 
Trong khi đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp hạng 163 (tăng 44 hạng so với năm 2020 là: 207), Trường ĐH Duy Tân xếp hạng 351-400 (tăng hạng với với năm 2020 là: 451-500 gần cả trăm hạng); ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng cùng thuộc nhóm 401-450 (ĐH Huế tăng hạng so với năm 2020 là: 451-500, ĐH Đà Nẵng giữ nguyên hạng).
 
QS châu Á xếp hạng các đại học dựa trên 11 tiêu chí với trọng số khác nhau, gồm: danh tiếng về học thuật (30%); danh tiếng nhà tuyển dụng (20%); tỉ lệ giảng viên/sinh viên (10%); tỉ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%); tỉ số bài báo xuất bản trên giảng viên (5%); chỉ số trích dẫn trên bài báo (10%); mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%); giảng viên quốc tế (2,5%); sinh viên quốc tế (2,5%); sinh viên trao đổi trong nước (2,5%); sinh viên học trao đổi nước ngoài (2,5%)...
 
(Nguồn:https://tuoitre.vn/them-3-truong-cua-viet-nam-vao-bang-xep-hang-dai-hoc-qs-chau-a-2021-2020112517193342.htm)

Sitemap
Đào tạo, nghiên cứu gắn liền với khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên và học viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc Việt Nam, có ý thức sinh hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu.